Phát triển ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững

Ngày 9/11, tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển ngành VLXD Việt Nam hiện đại và bền vững, với sự tham dự của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VLXD.

Phát triển ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững
Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Tống Văn Nga phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Tống Văn Nga nhấn mạnh yêu cầu tất yếu, khách quan của việc phát triển ngành VLXD Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững và cho biết, mục tiêu của Hội thảo nhằm giới thiệu những đổi mới của ngành công nghiệp vật liệu thời gian qua, đồng thời tạo cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp cùng thảo luận, xác định những nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu cụ thể ngành VLXD phải phấn đấu trong thời gian tới.

Để ngành VLXD Việt Nam tiếp cận nhanh chóng với công nghệ hiện đại và phát triển bền vững, ông Tống Văn Nga mong muốn chính quyền các cấp, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VLXD tiếp tục quan tâm, đi sâu nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm VLXD mới có chất lượng tốt, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường.

Trình bày tham luận “Đổi mới công nghệ sản xuất VLXD 40 năm nhìn lại” tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành công nghiệp VLXD đã đạt được những bước tiến đáng kể về năng lực sản xuất trong những năm gần đây, giai đoạn trước năm 2010 nhiều sản phẩm chủ yếu của nước ta như clanhke, gạch ốp lát các loại, sứ vệ sinh, kính xây dựng vẫn phải nhập khẩu để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước.

Nhiều loại VLXD ở nước ta đã có sự phát triển vượt bậc về sản xuất và tiêu thụ. Năng lực sản xuất một số loại sản phẩm VLXD quan trọng như xi măng, gốm sứ, kính xây dựng tăng từ vài chục lần đến hàng trăm lần sau 40 năm phát triển. Sản xuất VLXD về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc, nhiều sản phẩm đã tham gia vào thị trường xuất khẩu như clanhke, kính tiết kiệm năng lượng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, vôi công nghiệp. Những thành tựu này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành trên thị trường quốc tế…

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết, từ năm 2023 đến nay, trước tình hình thế giới có nhiều “rủi ro và bất ổn kéo dài”; thị trường bất động sản trầm lắng; giá nguyên liệu tăng cao; tình hình sản xuất và tiêu thụ VLXD lại đang khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất, thua lỗ kéo dài, tình trạng nợ xấu tăng cao. Niềm tin vào kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành đang xuống mức thấp đáng báo động, các doanh nghiệp phải gồng mình để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Phát triển ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững
Quang cảnh Hội thảo.

Xuất phát từ thực tiễn trên, ông Lê Văn Tới kiến nghị Nhà nước cần có chính sách để tiếp tục giảm lãi suất vốn vay đối với doanh nghiệp sản xuất VLXD; đồng thời giảm thuế suất, thuế xuất khẩu cho các mặt hàng VLXD về đúng tinh thần quy định trong Luật Thuế, cụ thể là clinker xi măng, đá ốp lát tự nhiên; tăng giải ngân vốn đầu tư công; áp dụng tối đa phương pháp thi công cầu cạn bê tông cốt thép thay cho phương pháp đắp nền để làm đường cao tốc cùng với chính sách quản lý chặt chẽ nhưng phải có sự hỗ trợ để bất động sản phát triển; duy trì và thúc đẩy việc thực hiện chính sách tăng cường sản xuất và ứng dụng VLXD thân thiện, đặc biệt là việc sử dụng; có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế sản xuất VLXD.

Tại Hội thảo, các đại biểu tích cực thảo luận các nội dung và đề xuất giải pháp phát triển ngành VLXD Việt Nam hiện đại và bền vững, như: Thực trạng và giải pháp phát triển VLXD Việt Nam; Nhìn lại bốn thập kỷ phát triển của ngành Xi măng Việt Nam; Triển khai kinh tế tuần hoàn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam; Giải pháp đồng xử lý chất thải tại INSEE Việt Nam hướng tới Net Zero; Các sản phẩm carbon thấp của SCG Việt Nam; Công nghệ mới trong đa dạng hóa sản xuất sản phẩm xi măng sợi; Tái chế tro xỉ, thạch cao của ngành công nghiệp nhiệt điện than và phân bón hóa chất – ứng dụng sản xuất VLXD xanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; Cầu cạn sử dụng bản bê tông cốt thép trên cọc ly tâm PRC; Công nghệ sản xuất và ứng dụng sàn rộng dự ứng lực; Nghiên cứu và ứng dụng bê tông siêu tính năng ở Việt Nam.

Linh Đan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *